Tính cạnh tranh của điểm đến Việt Nam ngày càng bộc lộ nhiều điểm yếu so với các nước láng giềng do tour đến Việt Nam thường có giá cao và ít thuận tiện cho du khách. Nguyên nhân cơ bản là tính liên kết giữa các cơ sở dịch vụ du lịch rất lỏng lẻo, thiếu một nhạc trưởng đích thực và mạnh ai nấy làm.
Vào giữa năm, những công ty du lịch chuyên về thị trường Châu Âu thường phải làm giá tour cho năm mới. Trong bảng giá này, điểm nổi bật là giá tour đến Việt Nam năm nay bao giờ cũng cao hơn năm trước. Các đối tác lấy lý do là chi phí vận hành như lương nhân viên, điện, nước, thực phẩm tăng lên nên buộc phải tăng giá, và vì thế, giá tour trọn gói cũng phải tăng theo.
Giá mọi loại dịch vụ đều cao
Bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc điều hành Công ty du lịch Asian Trails Co., LTD, cho biết giá phòng, giá ăn uống, giá vé máy bay chiếm phần lớn trong gói tour nhưng những dịch vụ này lại tăng lên mỗi năm nên khó giữ giá tour trọn gói. Hơn một năm trước, mỗi bữa ăn của khách chỉ chừng 10-15 đô la Mỹ thì nay phải gần hoặc thậm chí hơn 20 đô la mới đủ. Giá vé máy bay cũng cao nên tour trọn gói mỗi năm thường tăng khoảng 3-8%.
“Điểm đến Việt Nam chưa thể cạnh tranh về giá. So với mặt bằng chung của khu vực thì chúng ta chưa thể có giá rẻ như Bali, Thái Lan, Malaysia, hay thậm chí Hồng Kông,” bà nói.
Nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp phải tăng giá dịch vụ khiến giá tour cao hơn có phần khách quan từ việc mặt bằng giá cả trong nước tăng cao; nhiều sản phẩm dịch vụ trong nước còn mới, thời gian khấu hao chưa nhiều nên chưa thể có giá tốt như những nước làm du lịch đã lâu.
Với hàng không, giá vé đến Việt Nam cao hơn các điểm đến khác như Thái Lan hay Singapore do những nước này là cửa ngõ hàng không, có nhiều chuyến bay quốc tế nên khách nhiều, giá vé rẻ hơn và cũng thuận tiện hơn cho du khách. Chẳng hạn, với đường bay thẳng đến châu Âu, Vietnam Airlines chỉ bay Franfurt, Paris, Moscow, London nhưng Singapore và Thái Lan thì có rất nhiều đường bay, giúp khách tiết kiệm tiền vé và nhất là tiết kiệm thời gian. Du khách có chương trình tour nhiều hơn trong cùng một thời gian hoặc có thể rút ngắn thời gian tour.
Liên kết lỏng lẻo
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan cũng rất lớn, bao gồm việc nhiều doanh nghiệp chưa kinh doanh chuyên nghiệp để đưa ra mức giá ổn định và đặc biệt là việc thiếu liên kết giữa các ngành liên quan để tạo nên một hệ thống cung cấp dịch vụ có giá tốt.
Bà Thủy Tiên của Asian Trails cho rằng, giá dịch vụ không ổn định cũng khiến du lịch không thể có nhiều khách. Nhiều khách sạn, nhà hàng báo giá đầu năm cao nhưng nếu đến cuối năm bán không được lại giảm giá, nhưng thường báo trễ nên lữ hành không thể kéo khách thêm. Trong khi đó, một số điểm đến lân cận như Thái Lan, Malaysia giữ giá khá ổn định để doanh nghiệp lữ hành có thể chủ động đưa ra giá tốt trước một năm nhằm kéo khách.
Theo ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, điểm đến Việt Nam đang kém cạnh tranh về giá, tính thuận lợi và hấp dẫn mà nguyên nhân chính là sự thiếu liên kết.
Ông Tài và một số doanh nhân khác cho rằng, về tính thuận lợi – tức việc đi, đến Việt Nam chưa dễ dàng so với một số nước trong khu vực. Về giá, nếu so với Thái Lan, du lịch nước này có giá tốt vì đã khai thác thêm những dịch vụ cộng thêm như giải trí, mua sắm để tạo nên giá dịch vụ mặt đất cạnh tranh hơn. Chẳng hạn, công ty lữ hành có thể sử dụng xe của những điểm dịch vụ này để giảm giá vận tải còn những nơi này lại có thêm khách.
Về tính hấp dẫn, bên cạnh tài nguyên thiên nhiên thì còn phải xem xét đến những dịch vụ cộng thêm, những dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, tính an toàn thân thiện của điểm đến, và về khía cạnh này thì tour đến Việt Nam cũng đang thua kém.
“Muốn nâng tính cạnh tranh của điểm đến, cạnh tranh được về giá thì du lịch phải có những dịch vụ cộng thêm, những dịch vụ vui chơi giải trí về đêm và tính an toàn thân thiện của điểm đến,” ông Tài nói.
Nhiều doanh nhân nhận định, để giải quyết được vấn đề này cần phải có sự vận hành của cả guồng máy. Trước hết, phải thể hiện được sự liên kết của du lịch và các ngành liên quan. Du lịch hay đặt ra vấn đề kích cầu thu hút khách nhưng kích cầu thì không chỉ có du lịch mà hàng không, khách sạn, khu vui chơi giải trí cũng phải tham gia vào cũng như phải thu hút đầu tư vào các sản phẩm vui chơi giải trí thì mới có giá tốt. Sở dĩ, tour đi Thái Lan năm ngày hiện có giá thấp hơn tour đi Đà Nẵng với thời gian bay tương tự là cũng từ cách làm liên kết chặt chẽ đó của phía Thái Lan.
Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020 có một mục tiêu lớn là đưa điểm đến Việt Nam cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên kỳ vọng lớn đó sẽ khó thực hiện nếu điểm đến Việt Nam vẫn chưa giải quyết được những vấn đề tồn tại từ nhiều năm như việc thiếu liên kết giữa các ngành nghề để giữ giá tốt và ổn định.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét